Khoa Triết học - Faculty of Philosophyhttp://flis.ussh.vinades.vn/uploads/flis/11231123.png
Thứ bảy - 19/06/2021 09:57
Vài năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện một tập đoàn bất động sản lớn mang tên Danko Group, quy mô hơn 1.200 nhân viên. Với lãnh đạo là những cựu sinh viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập đoàn có cách thức phát triển khác biệt và đạt được nhiều thành công. Danko Group đang từng bước trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, tiếp tục mang đến những sản phẩm phong cách châu Âu đẳng cấp, góp phần thay đổi diện mạo các đô thị trên khắp dải đất Việt Nam.
Tập đoàn với triết lý hoạt động đậm tính nhân văn
Gọi điện thoại nhiều lần, tôi mới được anh Đàm Quốc Hiệp, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Bất động sản Danko, cho một cái hẹn bởi lịch làm việc của anh luôn kín mít. Cảm nhận đầu tiên của tôi về anh là một nhà quản lý giỏi, năng động, phóng khoáng và cũng thật mềm dẻo trong xử lý công việc.
Dù đã hết giờ làm việc chính thức cả tiếng, nhưng anh Hiệp vẫn nhiệt tình tiếp đón và say sưa kể về Danko Group. Anh cho biết, người sáng lập Tập đoàn là anh Trần Hữu Sử (cựu sinh viên K42 Khoa Triết học). Xuất phát điểm như vậy nên tầm nhìn, giá trị cũng như cách vận hành của Danko rất khác biệt. Coi nhân văn là giá trị cốt lõi, do đó, mọi hoạt động, dịch vụ của Danko Group luôn đi kèm những cam kết về đạo đức, sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Bên cạnh đó, Tập đoàn đề cao uy tín và danh dự, tiên phong trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để tiếp cận giá trị kinh doanh cao nhất cho Tập đoàn và mọi khách hàng, đối tác. Và chính bởi “kim chỉ nam” này nên dù mới tham gia vào thị trường bất động sản 7 năm nhưng Danko Group đã giành được nhiều giải thưởng như: Top 10 dự án đô thị nhà ở và nhà ở tiềm năng năm 2021, Khu đô thị có thiết kế cảnh quan đẹp nhất Việt Nam…
Trách nhiệm cộng đồng được coi là hoạt động không thể thiếu trên con đường phát triển của mình nên Tập đoàn Danko thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện, những chiến dịch mang tính nhân văn, từ quan tâm tới thế hệ tương lai của đất nước qua việc tặng quà cho trẻ em tại làng SOS mỗi dịp Tết Thiếu nhi, Trung thu, Tết đến xuân về, lập Quỹ học bổng 1 tỷ đồng dành cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tới việc chung tay giúp đỡ đồng bào chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ quét tại các tỉnh miền Trung… Gần đây nhất, trong làn sóng Covid-19 thứ 4, với mục đích chung tay chia sẻ với Chính phủ và cộng đồng xã hội, vào tháng 5/2021, Danko Group đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên với số tiền 1,32 tỷ đồng. Đặc biệt hơn, cách đây 2 năm, Tập đoàn cho ra đời Quỹ từ thiện mang tên “Trái tim Danko” nhằm tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện một cách bài bản, chuyên nghiệp và tích cực hơn, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa những giá trị vật chất cũng như tinh thần cho xã hội.
Người học Triết học thích ứng nhanh với thời cuộc
Anh Hiệp cho biết, cái được lớn nhất sau 4 năm học tại Khoa Triết học là các thầy cô đã trang bị cho anh thế giới quan, phương pháp luận, nhận thức về tự nhiên, xã hội, tư duy con người. Thông qua phương pháp luận của triết học, anh có thể vận dụng linh hoạt vào trong cuộc sống, trong kinh doanh và mối quan hệ ngoài xã hội. Cụ thể, Triết học đã mang lại cho anh những lợi thế nhất định khi làm kinh doanh. “Sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo doanh nghiệp học kinh tế, luật hay quản trị kinh doanh… và triết học khá rõ rệt. Người học chuyên ngành có thể tiếp cận được ngay về các lý thuyết kinh tế, thặng dư, quản lý kinh tế… do họ có kiến thức nền và đây là điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, với Tập đoàn Danko, có thể coi là “tay ngang” - xuất phát điểm từ kinh doanh những thứ nhỏ nhất, cho đến giờ là một tập đoàn bất động sản mạnh - thì Tập đoàn có tư duy và tầm nhìn xa, rộng trên nền tảng những nguyên lý triết học, có sự quyết liệt mang dấu ấn cá nhân và đã thành công”, anh Hiệp chia sẻ.
Anh Hiệp cũng dẫn chứng, nhân viên sale bất động sản tại Tập đoàn có những sale học kinh tế, quản trị kinh doanh, thậm chí chuyên ngành kinh tế bất động sản nhưng doanh số bán hàng lại không bằng những người học các ngành khoa học xã hội và nhân văn, bởi không phải cứ được trang bị đúng chuyên môn, chuyên ngành là làm tốt. “Đến một lúc nào đó, những kiến thức nền tảng về văn hoá, xã hội mà Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trang bị phát huy tác dụng tốt, bởi trong kinh doanh đôi khi không đơn thuần là các yếu tố kỹ thuật như: ngôi nhà bao nhiêu mét, hướng nào, làm bằng vật liệu cao cấp gì... mà là kỹ năng thuyết phục, chăm sóc khách hàng. Bản thân khách hàng là người có tiền, có kiến thức nền tảng xã hội tốt nên nếu nhân viên sale tương tác tốt, tạo được niềm tin và sự yêu quý từ khách hàng thì sẽ mua hàng”, anh Hiệp phân tích.
Thực tế cho thấy, trong bất kỳ xã hội hay thể chế chính trị nào, ở bất kỳ giai đoạn nào, triết học đều đóng vai trò quan trọng bởi tất cả quy luật, phạm trù triết học đều là những khái quát logic từ cuộc sống, từ tự nhiên nên nếu nắm vững những quy luật sẽ cho con người kỹ năng và phương pháp luận để giải quyết công việc hiệu quả hơn. “Tại Tập đoàn, tôi vẫn thường xuyên vận dụng các quy luật của triết học để thực hành hoạt động quản lý. Chẳng hạn, khi giữa các phòng, ban trong cơ quan xuất hiện mâu thuẫn, tôi sẽ tìm hiểu vấn đề và phân loại xem đó là mâu thuẫn đối kháng hay không đối kháng, từ đó tìm ra cách giải quyết hợp lý và triệt để”, anh Hiệp chia sẻ.
Là ngành khoa học lâu đời nhất, ra đời từ thời cổ đại, Triết học ngày nay vẫn thu hút rất nhiều người bởi tính thực tiễn và thú vị của nó. Điển hình là, bà Barbara Berlusconi, ái nữ của cựu Thủ tướng Italia, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ AC Milan chọn ngành triết học để theo đuổi bậc cao học và việc học của bà xuất phát từ niềm yêu thích chứ không phải để thăng tiến hay mục đích khác.
Thực tế cho thấy, người học Triết học có nhiều thuận lợi khi tham gia hoạt động chính trị, quản lý, lãnh đạo. Trường hợp những người học chuyên ngành Triết học và trở thành chính trị gia như ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng hay ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa là những ví dụ điển hình. Và gần hơn nữa, ngay tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có một cựu sinh viên Khoa Triết học K42 là PGS.TS Nguyễn Đức Luận, Vụ Phó Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương.
“Theo tôi, trường học đã trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, để có công việc tốt và thăng tiến thì phải luôn tự học, rèn luyện các kỹ năng. Người học Triết học có thể làm giảng dạy, nghiên cứu, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội… Và khi làm “tay ngang” như kinh doanh chẳng hạn thì mỗi người cần tự học thêm các kiến thức về kinh tế. Điều thuận lợi là, người học Triết học được trang bị phương pháp luận tốt nên tiếp cận những lĩnh vực mới và thích ứng với thời cuộc rất nhanh. Đây chính là một thế mạnh của người học Triết học”, anh Hiệp nhận định.
Mai San
Câu hỏi dành cho PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Triết học
- Thưa thầy, sinh viên ngành Triết học khi ra trường có xu hướng làm những công việc gì?
Khoa đào tạo cử nhân ngành Triết học hệ chính quy 4 năm theo 6 hướng chuyên ban Lịch sử triết học (phương Đông và phương Tây), Triết học Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Logic học, và Mỹ học – đạo đức học. Sinh viên được học các môn chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn của khối ngành khoa học xã hội nhân văn, các môn của ngành triết học và các môn chuyên ngành nhằm tích lũy các kiến thức về xã hội, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội... của dân tộc Việt Nam và thế giới, các kiến thức khoa học tự nhiên – công nghệ hiện đại, những kiến thức triết chuyên sâu về bản thể luận, nhận thức luận, phương pháp luận triết học và khoa học, đạo đức học và nhiều tri thức chính trị - xã hội khác. Tất cả nhằm tạo ra và rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tư duy lý luận khoa học và năng lực vận dụng vào thực tiễn, khái quát thực tiễn để tiếp tục phát triển lý luận. Từ những tri thức đó sau tốt nghiệp sinh viên có thể trở thành giảng viên các môn lý luận – chính trị tại các trường đại học, nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu chuyên ngành; công tác trong các cơ quan dân chính đảng từ trung ương tới các địa phương (khu vực công); và, hướng thứ ba đầy triển vọng và thực tế đã có những cựu sinh viên thành đạt trong khu vực tư như anh Hiệp: sinh viên có thể khởi nghiệp hoặc làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ.
- Thầy có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về những thay đổi của thị trường lao động, đặc biệt là những yêu cầu mới đối với người lao động trong thời đại số là gì?
Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam ta cũng đang nhanh chóng chuyển mình theo xu hướng chung đó. Cuộc cách mạng này, mà cốt lõi là chuyển đổi số trên quy mô lớn ở mọi quốc gia, mọi tổ chức, doanh nghiệp công và tư đang làm biến đổi căn bản thị trường lao động truyền thống: khoảng thời gian lao động hiệu quả nhất trong đời người bị rút ngắn lại, nghĩa là buộc người ta phải sớm lao động khi còn rất trẻ để kịp có đủ số năm cống hiến trước khi bị gạt sang bên lề của guồng máy sản xuất xã hội. Điều này vừa tạo ra những cơ hội thuận lợi cho những người trẻ sớm có chỗ đứng trong thị trường lao động, vừa đưa đến những thách thức khó khăn khi lớp người trẻ còn chưa kịp ý thức, chưa lĩnh hội, tích lũy được các tri thức và kỹ năng cần thiết để biến mình thành người lao động tự tin, năng nổ, sáng tạo trong lao động ở thời đại số. Do vậy, ngay từ khi còn học những năm cuối phổ thông thanh niên cần sớm xác định nghề nghiệp, lĩnh vực hoạt động vài năm tới của mình để chủ động học tập rèn luyện kỹ năng đáp ứng những yêu cầu mới nêu trên của thời đại số đối với người lao động.
- Khoa Triết học có những đổi mới gì trong định hướng đào tạo để giúp sinh viên ra trường dễ dàng được thị trường lao động đón nhận? Có xu hướng nghề nghiệp gì mới dành cho sinh viên ngành Triết học hiện nay không?
Nắm rõ sự phân luồng sinh viên Khoa Triết học sau tốt nghiệp, nhất là xu hướng số sinh viên tìm việc làm ở khu vực tư ngày càng tăng lên, mấy năm qua qua các lần cải tiến chương trình, quy hoạch lại ngành, chuyên ngành đào tạo, Khoa đã chính thức coi hướng việc làm này cơ bản cùng với hai hướng đầu, vì thế các học phần tự chon đã có nhiều nội dung của các ngành đào tạo khác như Khoa học quản lý, Du lịch, Báo chí, Đông phương... để sinh viên có thể lựa học chính khóa hoặc thêm. Việc phân công thực tập, thực tế khóa học cho sinh viên cũng tính đến hướng việc làm của họ, chú ý nhiều hơn đến thực hành làm việc tại một số doanh nghiệp tư và công, chứ không chỉ giới hạn trong khối các trường đại học, viện nghiên cứu; hay các cơ quan hành chính sự nghiệp như trước nữa.