Việc thành lập Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là cơ hội phát triển lớn cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung, ngành Triết học và ngành Quản lý xã hội nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đứng đầu là PGS. TS. Phùng Hữu Phú - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã nhanh chóng ổn định về mọi mặt, phát triển thêm một số ngành mới, xây dựng 5 chương trình phát triển giai đoạn 1997 - 2000 thực hiện Nghị quyết trung ương 2 (khóa VIII) của Đảng về giáo dục - đào tạo và phương hướng phát triển thời kỳ 2000 - 2010.
Những bước đi đầu tiên ấy đã được thực tiễn phát triển Nhà trường suốt 20 năm qua minh chứng tính khoa học, tính hiệu quả.
Trong sự phát triển chung ấy, Khoa Triết học cũng nhận được sự chỉ đạo, đầu tư đáng kể của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Điểm lại vài nét những năm đầu thành lập Trường để thấy rõ hơn cơ hội và điều kiện phát triển của khoa trong những năm chuyển giao thiên niên kỷ đó. Nhưng những thành quả mà Khoa đạt được chính là việc đội ngũ cán bộ Khoa biết phát huy những điều kiện khách quan thuận lợi, đoàn kết, dân chủ, phấn đấu không ngừng để mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế mới trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Cuối năm 1996, Khoa tiến hành bầu Ban Chủ nhiệm Khoa lần thứ ba, nhiệm kỳ 1996 - 2000, gồm các nhà giáo:
+ PGS. Bùi Thanh Quất - Chủ nhiệm Khoa
+ TS. Nguyễn Hàm Giá - Phó Chủ nhiệm Khoa
+ TS. Trịnh Trí Thức - Phó Chủ nhiệm Khoa
+ TS. Dương Văn Thịnh - Phó Chủ nhiệm Khoa
Trong giai đoạn này, đội ngũ cán bộ Khoa được bổ sung thêm nhiều cán bộ mới. Thầy giáo Hà Hữu Nam (sinh viên K36) được giữ lại giảng dạy tại Bộ môn Lôgíc học (hiện nay đã chuyển công tác ra ngoài Trường). Thầy giáo Bùi Xuân Quang (khóa 26) trở lại công tác ở Khoa. TS. Phạm Thế Hùng (khoảng năm 1996) sau khi bảo vệ luận án được Khoa mời về công tác tại Bộ môn Mỹ học – Đạo đức học. Sinh viên K39, K40, K41 tốt nghiệp được giữ lại Khoa công tác có các thầy giáo Hoàng Xuân Phú, Hoàng Văn Thắng và các cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh, Trần Thị Thúy Ngọc (Hiện nay công tác tại Viện Triết học), Nguyễn Thị Thảo. Đồng thời, Khoa cũng được Nhà trường tạo điều kiện để mời về Khoa công tác một số cán bộ có học vị sau đại học như TS. ĐỗThị Hòa Hới (về Bộ môn Tôn giáo học năm 2001). TS. Trần Văn Hải và TS. Nguyễn Anh Tuấn (về bộ môn Quản lý xã hội từ giữa năm 2001). Cũng trong năm 2001 Khoa được bổ sung thêm 5 giảng viên trẻ là Nguyễn Hữu Thụ, Phạm Hoàng Giang, Nguyễn Thị Kim Chi, Nguyễn Văn Chiều và Vũ Tuấn Hưng là những sinh viên K. 42 mới tốt nghiệp.
Bên cạnh đội ngũ cán bộ của Khoa, nhiều cán bộ của Viện Triết học, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, viện Nghiên cứu Tôn giáo, Khoa Triết học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Học viện Hành chính quốc gia, Ban tôn giáo Chính phủ và nhiều cơ quan khác đã đến giảng dạy, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ cho sinh viên, học viên sau đại học của Khoa. Sự tham gia của các thầy giáo, cô giáo mà hầu hết đều có học vị từ tiến sĩ trở lên, nhiều người trong số đó là giáo sư, phó giáo sư đã đóng góp quan trọng cho quá trình đào tạo của Khoa.
Từ khi thành lập Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Triết học có một số cán bộ chuyển công tác đến các phòng ban trong Trường để tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý cho Nhà trường. Đó là thầy giáo Đặng Gia Ân (Trưởng phòng Tổ chức, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy), thầy giáo Trần Trọng Cao (Phó Bí thư Đảng ủy, trưởng Phòng Hành chính - Đối ngoại), thầy Nguyễn Ngọc Thành (Phó Trưởng phòng Khoa học) và các cán bộ Hoàng Thị Tâm, Hoàng Anh Thà về công tác tại Phòng Chính trị và công tác sinh viên, Phòng Đào tạo.
Các cán bộ hoàn thành nhiệm vụ công tác về nghỉ hưu có cô giáo Trần Bạch Tuyết (năm 1998), PGS.TS. Lê Văn Quán (năm 2000).
Năm 2001, thầy giáo Nguyễn Khắc Hiếu lâm bệnh đột ngột và qua đời khi vừa hoàn thành việc biên soạn giáo trình Đạo đức học Mác - Lênin.
Với đội ngũ cán bộ được bổ sung thêm và nhất là với kinh nghiệm xây dựng và phát triển Khoa của 20 năm trước cũng như sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, dưới sự lãnh đạo của PGS. Bùi Thanh Quất cùng với các nhà giáo trong Chi ủy, Ban Chủ nhiệm Khoa, Hội đồng Khoa học, Khoa Triết học đã đạt được nhiều thành tích quan trọng.
Công tác xây dựng chương trình đào tạo được coi trọng. Ngay từ những năm 1994 - 1995, Khoa đào tạo ở bậc cử nhân hai ngành: Triết học, Quản lý xã hội; đào tạo bậc tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử; từ năm 2000 bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ các chuyên ngành Lịch sử triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Mỹ học; bậc thạc sĩ bốn chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử, Lịch sử triết học, Mỹ học, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ năm 2001, Khoa đã bắt tay vào mở thêm một mã ngành đào tạo bậc thạc sĩ – chuyên ngành Tôn giáo học.
Cùng với công tác xây dựng chương trình đào tạo, công tác xây dựng các bộ môn cũng được quan tâm củng cố. Cơ cấu bộ môn của Khoa vào đầu những năm 2000 gồm: Triết học Mác - Lênin, Lịch sử triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Mỹ học - Đạo đức học, Lôgíc học, Tổ Văn phòng – Tư liệu, Quản lý xã hội (thành lập năm 1995) và Tôn giáo học (thành lập năm 1999).
Các bộ môn trong Khoa đã từng bước đảm nhận tốt các nhiệm vụ đào tạo cán bộ trẻ và cán bộ kế cận; quản lý giảng dạy và đào tạo chuyên ban; quản lý, tổ chức biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo; tổ chức sinh hoạt chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ đánh giá luận án, luận văn sau đại học cấp bộ môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài khoa học và khóa luận tốt nghiệp; triển khai công tác đổi mới phương pháp đào tạo. Khoa đã dần khắc phục tình trạng cả Khoa là một bộ môn lớn.
Riêng Bộ môn Quản lý xã hội thời gian đó tuy mới thành lập nhưng đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc đào tạo cử nhân ngành Quản lý xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển của Khoa trong những năm chuyển giao thế kỷ XX - XXI cả trên phương diện quy mô đào tạo cũng như chất lượng đào tạo.
Từ năm 1996 đến 2001, Khoa đã đào tạo cả ở bậc đại học và sau đại học với số lượng sinh viên và học viên bằng hơn 20 năm trước cộng lại. Đồng thời, cán bộ Khoa cũng đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy cho các đơn vị bạn với khối lượng giảng dạy gấp tám lần thời điểm năm 1995 (tính riêng Bộ môn triết học Mác - Lênin, Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, trong năm học 2001 - 2002 thì số giờ giảng dạy trong và ngoài Khoa ở bậc đại học đã lên đến gần 8.000 giờ).
Công tác đào tạo đại học của Khoa cũng có những sự phát triển quan trọng.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được các thầy cô gia công đầu tư mang lại hiệu quả lớn góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Công tác thực tập thực tế của sinh viên được tổ chức thường xuyên, quy mô, chuyên nghiệp đã góp phần xóa bỏ tình trạng học mà thiếu hành của những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ XX) do điều kiện khó khăn nên không thực hiện được.
Công tác đào tạo chuyên ban của ngành triết học được khôi phục lại từ khóa 41 đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đồng thời cũng thúc đẩy đội ngũ cán bộ Khoa trong việc biên soạn các chuyên đề mới, cập nhật hơn những vấn đề thực tiễn đất nước trong nội dung giảng dạy. Với ngành quản lý xã hội, sau một vài khóa tốt nghiệp, từ đầu những năm 2000 Khoa đã tiến hành đào tạo theo chuyên ban.
Năm 2001, Khoa tiến hành giới thiệu bổ nhiệm Chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ 2001 - 2005. Ban chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ 2001 - 2005 gồm các nhà giáo:
+ TS. Trịnh Trí Thức - Chủ nhiệm
+ TS. Dương Văn Thịnh - Phó Chủ nhiệm
+ CN. Trần Ngọc Liêu - Phó Chủ nhiệm
+ CN. Trương Hải Cường - Phó Chủ nhiệm
Từ năm học 2001 - 2002, Khoa Triết học là một trong bốn đơn vị đào tạo của Trường được giao nhiệm vụ đào tạo hệ cử nhân chất lượng cao. Đây là một nhiệm vụ mới, thể hiện rõ chiến lược đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến 2016 đã có 12 khóa đào tạo cử nhân triết học chất lượng cao tốt nghiệp đáp ứng sứ mệnh được kỳ vọng vào hệ đào tạo này.
Năm 2002, Bộ môn Quản lý xã hội được tách ra từ Khoa Triết học để trở thành Bộ môn Khoa học Quản lý trực thuộc Trường. Các thầy giáo Bùi Thanh Quất, Phạm Ngọc Thanh, Trần Ngọc Liêu, Trần Văn Hải, Hoàng Văn Luân, Nguyễn Văn Chiều, Vũ Tuấn Hưng, và các cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Thị Kim Chi đã được điều động công tác sang đơn vị mới.
Sau những thay đổi lớn về nhân sự nêu trên, từ năm 2003 cho đến cuối năm 2016 Khoa thường xuyên giữ biên chế từ 30 đến 40 cán bộ sinh hoạt chuyên môn ở 6 tổ bộ môn ổn định là Triết học Mác - Lênin, Lịch sử triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Mỹ học - Đạo đức học, Lôgíc học, Tôn giáo học, và Tổ Văn phòng – Tư liệu. Đầu những năm 2000 các thầy giáo Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Vũ Hảo, cô Trần Thị Kim Oanh sau thời gian dài được đào tạo cao học và nghiên cứu sinh ở Đức và Nga đã lần lượt quay trở về Khoa công tác.
Năm 2003 Bộ môn Triết học Mác - Lênin được bổ sung thêm cô giáo Lương Thùy Liên là sinh viên tốt nghiệp K. 44, năm tiếp theo (2004) Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học được bổ sung thêm cô giáo Phạm Quỳnh Chinh là sinh viên tốt nghiệp K. 45. Đặc biệt năm 2005 có một loạt sinh viên K. 46 Chất lượng cao tốt nghiệp được giữ lại Khoa làm cán bộ giảng dạy: Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học có thầy giáo Trịnh Minh Thái (hiện nay công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), cô Phan Thị Hoàng Mai; Bộ môn Triết học Mác - Lênin có thầy giáo Ngô Đăng Toàn (hiện đang học nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc); Bộ môn Logic học cô Trần Minh Hiếu; tổ Văn phòng được bổ sung cô Hoàng Thị Lệ Thúy (hiện nay công tác tại Khoa Việt Nam học - Tiếng Việt) và Nguyễn Thị Hoa.
Năm 2005, Khoa tiến hành giới thiệu bổ nhiệm Chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ 2006 - 2010. Ban chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ 2006 - 2010 gồm các nhà giáo:
+ TS. Trịnh Trí Thức - Chủ nhiệm
+ TS. Nguyễn Thúy Vân - Phó Chủ nhiệm
+ TS. Nguyễn Vũ Hảo - Phó Chủ nhiệm
+ ThS. Trần Thị Hạnh - Phó Chủ nhiệm
Cuối năm 2007, Chủ nhiệm Khoa - thầy giáo Trịnh Trí Thức lâm bệnh hiểm nghèo và qua đời. Từ năm 2008 TS. Nguyễn Thúy Vân được cử làm chủ nhiệm Khoa tiếp tục nhiệm kỳ, TS. Nguyễn Anh Tuấn được bầu bổ sung vào vị trí Phó Chủ nhiệm Khoa.
Đến năm 2006 Bộ môn Logic học được bổ sung từ sinh viên tốt nghiệp K. 47 Chất lượng cao cô Vũ Thị Thu Hương (hiện đã chuyển công tác sang Học viện Báo chí Tuyên truyền). Năm 2007 Bộ môn Mỹ học – Đạo đức học được bổ sung thêm cô Nguyễn Thị Hoài và Bộ môn Tôn giáo học – thầy Vũ Văn Chung, họ đều là những sinh viên K. 48 Chất lượng cao. Số thầy giáo, cô giáo mới bổ sung này đã kịp thời bù lại sự thiếu hụt giảng viên do một số thầy cô chuyển công tác hoặc đến tuổi nghỉ hưu ở thời kỳ này như thầy Hoàng Xuân Phú (chuyển về tỉnh Hà Giang 2003), thầy Lê Văn Lực, thầy Nguyễn Văn Sức, thầy Hoàng Đình Thắng (mất năm 2010), các cô Lưu Thị Thịnh, Trần Thị Việt, Hoàng Thị Như Thanh, Bành Thị Bường, Nguyễn Thị Lý… Sang các năm tiếp theo (2008) nhân sự được bổ sung gồm cô Phạm Thị Liên (nguyên là sinh viên K. 46 Chất lượng cao) về Tổ Văn phòng. Cô Lê Thị Vinh (tốt nghiệp K. 50 Chất lượng cao, 2009) và Đoàn Thu Nguyệt (tốt nghiệp K. 51 Chất lượng cao, 2010) về Bộ môn Triết học Mác - Lênin.
Năm 2010, Khoa tiến hành giới thiệu bổ nhiệm Chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ 2011 - 2015. Ban chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ 2011 - 2015 gồm các nhà giáo:
+ PGS. TS. Nguyễn Thúy Vân - Chủ nhiệm
+ PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm
+ TS. Trần Thị Hạnh - Phó Chủ nhiệm
Đầu năm 2013 cô Nguyễn Thị Liên – sinh viên tốt nghiệp K. 52 được giữ lại bổ sung cho Bộ môn Lôgic học. Cuối năm 2013 Bộ môn Lịch sử triết học được bổ sung ThS. Mai K Đa – nguyên là sinh viên K. 50 Chất lượng cao, học thạc sĩ tại Nga tốt nghiệp trở về. Tháng 10 năm 2013 do có sự giải thể của Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Giảng viên Lý luận Chính trị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa đã nhận bổ sung thêm 8 giảng viên phân về 2 bộ môn: Triết học Mác - Lênin gồm TS. Nguyễn Thái Sơn (đã về hưu năm 2014), TS. Trần Thị Điểu, TS. Nguyễn Thị Thu Hường, TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng; Chủ nghĩa xã hội khoa học gồm PGS. TS. Phạm Công Nhất, TS. Nguyễn Thị Lan, TS. Hà Thị Bắc, ThS. Nguyễn Thị Trâm (đã nghỉ hưu từ tháng 8/2016). Đầu năm 2016 Khoa tiếp nhận PGS. TS. Trần Ngọc Liêu trở lại Khoa công tác tại Bộ môn Tôn giáo học và từ tháng 9/2016 tại Bộ môn Triết học Mác - Lênin. Người trẻ tuổi nhất đang trong giai đoạn hợp đồng thử việc tại Bộ môn Lịch sử triết học của Khoa là NCS. Nguyễn Minh Tuấn (nguyên là sinh viên K. 55 Chất lượng cao).
Năm 2015, Khoa tiến hành giới thiệu bổ nhiệm Chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ban chủ nhiệm Khoa đương nhiệm gồm các nhà giáo:
+ PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm
+ PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ nhiệm
+ TS. Phạm Hoàng Giang - Phó Chủ nhiệm
+ PGS. TS. Trần Ngọc Liêu - Phó Chủ nhiệm (bổ sung từ tháng 4/2016)
Đến đầu năm học 2016 – 2017, giống như cách đây 14 năm với Bộ môn Quản lý xã hội, Bộ môn Tôn giáo học đã được tách ra thành Bộ môn trực thuộc Trường để tạo điều kiện và chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo của ngành khoa học và đào tạo này trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Các cán bộ từ Khoa Triết học chuyển sang công tác ở đơn vị mới này gồm 5 người: PGS. TS. Trần Thị Kim Oanh, PGS. TS. Đỗ Thị Hòa Hới, ThS. Đỗ Thị Minh Thảo, TS. Nguyễn Hữu Thụ và TS. Vũ Văn Chung. Sau cuộc chia tách này, hiện nay khoa triết học có 5 bộ môn với 34 người (1 người đang học NCS ở nước ngoài), trong đó có 31 giảng viên, 3 cán bộ Văn phòng – Tư liệu. Có 3 giảng viên kiêm thêm chức danh Trợ lý là Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trợ lý công tác chính trị sinh viên), Lê Thị Vinh (Trợ lý Nghiên cứu khoa học), Nguyễn Thị Liên (Trợ lý đào tạo sau đại học). Trong số 31 giảng viên có 11 PGS, 9 TS, 11 ThS (trong số này có 9 giảng viên đang học NCS tại Khoa).
Vậy là qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, từ một khoa ra đời trên cơ sở một chiến lược cho sự phát triển của đội ngũ cán bộ lý luận ở Việt Nam, phải phụ thuộc nhiều vào đội ngũ các nhà khoa học bên ngoài Khoa và Nhà trường, đến nay, Khoa đã xây dựng được một đội ngũ các giảng viên – nhà khoa học tâm huyết, có trình độ, có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo triết học. Vào thời điểm hiện tại, cùng với khoa Văn học, Khoa Lịch sử, Khoa Triết học đang là một trong các khoa lớn, có truyền thống, uy tín và vị thế khoa học cao của Nhà trường.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn